Chấp nhận sự thăng trầm

“Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất.” (2 Cô-Rinh-Tô 4:8, 9)

Tôi phải mất một thời gian rất lâu để có thể học cách chấp nhận được những khó khăn trong cuộc sống. Tôi chưa bao giờ thực lòng cảm thông được với những việc xảy ra không đúng như ý mình muốn; tôi thường hay phản ứng bằng cách la lối om sòm, đôi khi còn vung chân vung tay với hi vọng có thể thay đổi hiện trạng theo chiều hướng tốt hơn. Hàng ngày, lúc nào tôi cũng mong mọi việc được trôi chảy bình thường, nhưng trong thâm tâm tôi biết chẳng bao giờ có chuyện đó. Cuộc sống là phải uốn người theo chiều gió, khiến tôi phải luôn đề cao cảnh giác và biết nhìn đời bằng ánh mắt lạc quan hơn kèm theo với lời cầu nguyện trên môi. Thế mà đôi lúc tôi vẫn cảm thấy khổ sở với quá nhiều rắc rối trong cuộc sống đến nỗi tôi quên cả việc cầu xin Chúa giúp mình có được sự bình an để tiếp tục hướng tới phía trước.

Tự đáy lòng mình, tôi hiểu những thăng trầm mà tôi đối mặt chính là một người thầy tốt. Những nỗi khốn khó đó chính là những bài học để tôi được trải nghiệm – Tôi cần phải học hỏi và trân quý tất cả những sóng gió trong cuộc đời. Nhưng thành thực mà nói, tôi đã phải mất một thời gian khá lâu để tạo cho lòng mình có được những sự cảm thông!

Giữ vững niềm hi vọng

Thuở còn là một bé gái bậc tiểu học, tôi nhớ mãi một câu chuyện nói về một con bướm mà đã bao nhiêu năm tháng trôi qua tôi vẫn không bao giờ quên. Đó là chuyện một cậu bé nhặt được một cái bọc kén trên đường đi học về. Cậu thích lắm, mỗi ngày đem nó ra ngắm nghía. Rồi một ngày nọ, cậu bỗng để ý thấy có một cái lỗ nhỏ mở ra trên bọc kén. Nhìn kỹ bên trong cậu thấy có một con bướm nhỏ đang đau khổ tìm cách phấn đấu chui ra ngoài. Cậu muốn giúp người bạn mới nhỏ bé này (con bướm), nên cậu lấy mũi kéo cắt rộng cái lỗ trên bọc kén để bướm có thể dễ dàng thoát ra ngoài.

Đúng như ý cậu, con bướm bò nhẹ nhàng ra ngoài không gặp trở ngại gì – nhưng sau đó hai cái cánh đủ màu của nó chẳng bao giờ được phát triển trọn vẹn. Cậu bé học được một bài học là sự khó khăn phấn đấu của bướm để thoát khỏi vỏ kén khiến thân xác nó tiết ra một chất nhờn giúp cho đôi cánh trở nên cứng cáp, do đó bướm mới có khả năng bay. Đó là sự phấn đấu của bướm để đôi cánh được phát triển trọn vẹn hầu cho bướm có thể tự do bay cao sau này.

Bây giờ tôi đã trưởng thành, tôi hiểu câu chuyện của bướm là một ví dụ rõ ràng cho thấy những trắc trở trong cuộc sống mà chúng ta đang đối mặt chính là một tảng đá vững chắc xây nền cho một đôi cánh khỏe đẹp. Điều này khiến sự phấn đấu hàng ngày của tôi trở nên dễ dàng hơn xưa.

Chúa đã giúp tôi hiểu rằng những thăng trầm, khổ nhọc trong cuộc sống là phương cách uốn nắn tôi thành một con người tốt hơn theo ý Ngài muốn.

Vậy những lúc bạn cảm thấy thất vọng và chán nản, hãy nhớ rằng nếu mình vẫn còn cố gắng vươn lên có nghĩa là bạn chưa chịu khuất phục. Kẻ nào có ý nhượng bộ tức là không muốn phấn đấu nữa; và bạn chưa nhượng bộ có nghĩa là niềm hi vọng của bạn vẫn còn. Có Chúa trong lòng thì hi vọng của bạn không bao giờ mất. Và chừng nào hi vọng chưa mất, thì bạn lúc nào cũng có thể ngoi lên ngay cả khi tình huống trở nên tồi tệ.

By Maxine Young

Ngọc-Anh phỏng dịch