Nỗi lo của con em chúng ta

Tôi ngồi suốt buổi sáng nay với một nhóm khoảng hơn 60 đứa trẻ lớp 7và lớp 8. Tôi muốn tìm hiểu thêm về những trẻ trong lứa tuổi này. Tôi bảo chúng lấy giấy viết trả lời cho câu hỏi sau đây của tôi:

“Nếu em có thể đặt một câu hỏi với Chúa, thì câu hỏi đó sẽ là gì?”

Tôi nghĩ chúng nó sẽ muốn hỏi Ngài một số chuyện chẳng hạn như tại sao ba má chúng lại ly hôn nhau, con vật mà chúng yêu quý nâng niu ở nhà mỗi ngày có được theo chúng lên thiên đàng không hoặc cớ sao ông bà nội/ngoại của chúng lại phải chết. Nhưng đến khi tôi đọc hết những trang giấy của chúng viết, tôi mới ngỡ ngàng vì thấy có nhiều đứa lại hỏi những câu hỏi về sự cứu rỗi của bản thân chúng chẳng hạn như:

“Con có được cứu không?”

“Con có ngoan đủ để được lên Thiên Đàng chưa?”

“Liệu con có bị lửa thiêu đốt dưới hỏa ngục không?”

“Chúa có tha tội cho những sai phạm mà con đã làm và cứu vớt con khi Ngài trở lại?”

Không chỉ có vài đứa trẻ băn khoăn về sự cứu rỗi – mà hầu như gần cả nhóm đều viết lên những ưu tư như thế. Là bậc cha mẹ, tôi đã thắc mắc tự hỏi mình: Chúng ta đã sai lầm từ đâu? Ta đã dạy con cái mình cái gì? Thuyết giảng cho chúng cách sống ra sao để đến nỗi đám trẻ phải nơm nớp lo sợ về sự cứu rỗi linh hồn của chúng nó? Ta cố sức dạy dỗ chúng cần phải “sống cho tốt” trong khi lại thất bại trong việc dạy chúng rằng sự cứu rỗi linh hồn là một món quà của Chúa? Và rằng sự cứu rỗi bản thân chúng có thể chắc chắn sẽ xảy đến?

Tôi tin rằng những suy nghĩ về sự cứu rỗi của con cái chúng ta khởi sự ngay ở dưới mái nhà mà chúng ta đang sống. Ta đã nêu tấm gương gì cho bọn chúng? Có phải chính ta còn nghi ngờ về sự cứu rỗi của bản thân mình đã ảnh hưởng đến lối suy tư của con em chúng ta? Ta đã đề cập về những chuyện gì liên quan đến sự cứu rỗi cho con em mình trong những lần gia đình cùng cầu nguyện bên nhau? Ta có vô tình kể những câu chuyện khiến chúng phải sống trong nỗi lo sợ bấp bênh? Ta có chần chờ trong việc tha lỗi mỗi khi chúng làm điều gì sai đến nỗi chúng phải suy luận là Chúa cũng không phải là Đấng rộng lượng dễ tha thứ?

Đoan chắc cho cả Cha Mẹ và Con Cái

Có rất nhiều bài viết liên quan đến vấn đề cứu rỗi có thể đoan chắc một lần nữa cả cho cha mẹ và con cái. Sau đây là một vài đoạn tôi thường đọc:

“Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời.” (1 Giăng 5:13).

“Phải, ân điển đó đã ban cho tôi, là kẻ hèn hơn hết mọi thánh đồ, để rao truyền cho dân ngoại sự giàu có không dò được của Đấng Christ, và soi sáng cho mọi người biết sự phân phát lẽ mầu nhiệm, từ đời thượng cổ đã giấu kín trong Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn vật” (Ê-Phê-Sô 3:8, 9).

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16).

“Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta.” (Giăng 10:28).

“Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu.” (Giăng 6:37).

Vậy thì tại sao chúng ta lại không ngồi với con em mình để đọc và cùng nghiên cứu Kinh Thánh. Rồi thảo luận những Lời Chúa dạy về sự vâng lời. Nếu sự cứu rỗi hoàn toàn không có điều kiện thì tại sao chúng ta lại cần phải vâng lời? Và cuối cùng, giúp con em ta hiểu là Chúa không muốn chúng sống trong nỗi lo sợ, nhưng chúng cần hướng đến cái ngày Ngài trở lại với lòng thành khẩn thiết tha.

By Nancy Canwell

Ngọc-Anh phỏng dịch