Gặp Chúa mùa Giáng Sinh

Đối với hầu hết chúng ta thì Giáng Sinh là dịp kỷ niệm ngày Chúa Giê-Su chào đời. Một mùa lễ của tình yêu thương, không còn hận thù. Mùa lễ để chúng ta thể hiện sự quan tâm bằng cách tặng quà cho nhau. Không phải những quà tặng đắt tiền mới có giá trị, mà chính là những món quà thắm đượm tình yêu. Một món quà dù nhỏ bé nhưng gói ghém tất cả tình cảm mến thương, sự trân trọng, lòng biết ơn, có khi cả sự ngưỡng mộ của mình dành cho người đón nhận, thì đó lại là một món quà vô giá. 

Một câu chuyện cảm động về những món quà được trao nhau trong ngày lễ Giáng Sinh của ông già tên Tùng sau đây sẽ nói lên phần nào ý nghĩa của những món quà yêu thương đầy ấp tình người trong mùa lễ này. 

Người dân ở đây chỉ biết ông tên Tùng, ông sống một mình vì vợ ông mất sớm. Ông làm thợ đóng giầy ở thành phố nhỏ này từ lâu lắm rồi. Vào một buổi chiều trước ngày lễ Giáng Sinh, ông Tùng ngồi lẻ loi một mình trong tiệm, cuốn Kinh Thánh trên tay, ông đang đọc câu chuyện nói về những nhà thông thái đem quà đến tặng Chúa Giê-Su vào lúc vừa chào đời.

Ông tự nhủ: “Nếu ngày mai là ngày Giáng Sinh đầu tiên, và bé Giê-Su ra đời đêm nay trong thành phố này thì tôi biết mình sẽ đem tặng cho Ngài món quà gì rồi!”

Ông đứng dậy cầm lấy đôi giày nhung nhỏ nhắn, mềm mại, màu trắng như tuyết, có nút bằng bạc.

“Tôi sẽ tặng bé Giê-Su đôi giày này, vì tôi đã làm chúng rất tỉ mỉ. Tôi biết chắc rằng mẹ Ngài sẽ thích lắm. Nhưng điều đó chỉ là ảo tưởng của những người già như tôi.”

Ông mỉm cười rồi chép miệng: “Chắc Chúa đâu có cần món quà nghèo nàn như thế này của mình đâu.”

Ông lặng lẽ cất đôi giày trên kệ và thổi tắt ngọn đèn cầy rồi vào giường ngủ.

Đang nằm thiu thiu bỗng ông nghe tiếng gọi, “Ông Tùng ơi!” Ông cố gắng lắng nghe, và giọng nói đó tiếp tục vang lên, “Ông Tùng ơi, ông có muốn gặp ta không? Ngày mai ta sẽ đi ngang qua cửa nhà này. Nếu ông thấy ta và mời vào, thì ta sẽ là khách của ông và ngồi chung bàn cùng ông.”

Bừng tỉnh giấc, ông thấy vui quá nên đêm đó không chợp mắt lại được. Ông rời khỏi giường trước khi bình minh và quét dọn cửa tiệm. Ông lau chùi sạch sẽ bàn ghế trong nhà, đặt trên đó một ổ bánh táo, vài ổ bánh mì, lọ mứt dâu và chai sữa. Khi mọi việc đã xong, ông ra đứng bên cửa sổ và chờ đợi. Ông bỗng nhìn thấy một người phu quét đường trước nhà đang hà hơi vào đôi tay để sưởi ấm.

Ông thầm nghĩ: “Tội nghiệp, chắc anh ta lạnh lắm”.

Mở toang cửa ông gọi với theo “Hãy vào đây nghỉ và dùng chút bánh với tôi đi, anh bạn ơi!”

Người quét đường nhướng mắt nhìn ông và mừng rỡ nhận lời “Dạ, cám ơn lòng tốt của ông”

Một lát sau, ông lại thấy một người đàn bà đứng tuổi, quần áo cũ mèm đang co ro lê bước lục tìm những vật phế thải trong những thùng rác của hàng xóm. Lòng ông quặn đau, ông nghĩ mình tuy nghèo nhưng Chúa đã ban phước cho mình may mắn hơn nhiều người khác, ông quay vào nhà lôi ra một bịch nylông to đựng những lon côca phế thải mà ông lượm trên đường mỗi chiều đi tản bộ trong công viên, ông bước ra vẫy tay:

-“Bà kia ơi, vào đây uống chút gì cho ấm bụng đi, tôi có một ít lon phế thải cho bà nè.”

Người đàn bà ngước mắt nhìn ông mừng rỡ: -“Ông tốt quá đi thôi, cám ơn ông”

Trong lúc ông đang lui cui dọn dẹp thì bỗng có tiếng gõ cửa, nhìn ra ông thấy một thằng bé đánh giầy, nó mặc mỗi cái áo mỏng rách rưới trong tiết trời mùa đông lạnh như thế này, nó nói:

-“Ông ơi! Ông có người khách nào của ông cần đánh giầy không? Ông giúp cháu đi, chiều qua cháu không ăn gì vì không có tiền, cháu đói quá ông ơi”

Mắt ông rướm lệ: -“Vào trong này cho ấm, ta có bánh mì và sữa cho con đây”. Nói xong ông cởi vội cái áo khoác ngoài của ông choàng cho thằng bé.

Vừa lúc đó thì một phụ nữ mặt mày xanh xao, áo quần xốc xếch trên tay bồng một đứa bé. Người phụ nữ ôm chặt đứa con trong lòng cho nó khỏi lạnh, họ dừng chân trước cửa tiệm ông để nghỉ mệt. Lòng ông xốn xang khi nhìn thấy cảnh đó, ông vội mở cửa và nói:

-“Cô và cháu hãy vào trong nhà cho đỡ lạnh.”

Cô ta thì thào: “Tôi trên đường ẵm cháu chạy vào nhà thương mong nhận được sự giúp đỡ vì tôi cảm thấy mệt quá, không còn sức nữa.”

Ông thốt lên: “Ôi! Thật tội nghiệp! Hãy ăn chút gì cho ấm lòng nhé. Để tôi lấy cho cháu một ít sữa. Ồ! thằng bé trông đáng yêu làm sao! Nhưng tại sao cháu không mang giày trong lúc giá lạnh như thế này?”

Người mẹ thở dài: “Tôi không có tiền mua giày cho cháu”

Nghe vậy ông vội với lấy đôi giày nhung trắng trên kệ xuống và mang vào chân cho đứa bé. Chúng vừa khít với đôi chân bé nhỏ của thằng bé.

-“Tôi tặng cháu đôi giày này nhé, tôi đã tự tay làm nó mấy hôm trước đó.”

Thời gian lặng lẽ trôi qua, những khách hàng của ông cứ ra vào cửa tiệm của ông để sửa chữa giày. Chiều tối dần nhưng lời hứa sẽ đến thăm ông của một người nào đó tối qua vẫn chưa thấy xảy ra.

Ông đóng cửa tiệm và thở dài: “Ôi, chuyện đêm qua chỉ là một giấc mơ”

Thật bất ngờ, ông dụi mắt khi thấy ánh sáng rực rỡ lóe khắp căn phòng. Ông rất ngạc nhiên khi nhìn thấy, từng cảnh một, người quét đường đơn độc, người phụ nữ lượm lon, thằng bé đánh giầy rách rưới, người mẹ yếu đuối bồng con. Tất cả đang mỉm cười với ông

“Ông có nhận ra chúng tôi không? Có phải chúng tôi đã ngồi ăn cùng với ông hôm nay không?”

Rồi mọi thứ chợt biến mất và có tiếng nói nhẹ nhàng rót vào tai ông từ trên không trung:

“Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta”
“Quả thật, ta nói cùng các ngươi rằng, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy” (Ma-thi-Ơ  25:35 &40).

Kính thưa quí ông bà, anh chị em, trong mùa Giáng Sinh yêu thương này, nếu bạn mở lòng nhân hậu tiếp đón những người bất hạnh lỡ bước như trong câu chuyện vừa qua, thì đó chính là bạn đã tiếp rước Chúa.

 

(Kịch bản trong chương trình Giáng sinh 2010 do các thanh niên Hội Thánh El Monte phụ trách)