Núi Sọ Vẫn Còn Đó

Đã nhiều năm nghe nói đến Đất Thánh, nhìn các hình ảnh qua những tạp chí, xem các đoạn phim từ những giảng sư, nhưng lòng tôi vẫn ước ao bước chân đến vùng đất này. Ước mơ đó trở thành sự thật vào đầu tháng 3 năm 2012, khi tôi cùng 25 người đồng đạo đến viếng thăm Thánh Địa. Tuy chuyến bay từ California đến Do Thái hơn cả 17 tiếng đồng hồ, nhưng đó là cơ hội tôi có dịp ngẫm nghĩ, "Đã hai ngàn năm không biết những dấu vết được kể lại trong Thánh Kinh còn đó không? Hay những dữ kiện đã chôn vùi vào lòng đất qua các thời đại. Tôi sẽ thấy gì và nghe điều gì? Những di tích có kể lại những phép lạ diệu kỳ, những cổ thành hoành tráng có nói lên con dân Chúa bị đày làm nô lệ dưới ách đế quốc La Mã, hay Chúa Giê-su phải chịu tử hình vô cớ?"

Lòng tôi bỗng vang lên tiếng ca, "Tận trên nơi đồi vắng xa, oai phong bấy thập giá xưa, như nhắc tôi luôn bao nỗi khổ hình. . ." Bài hát "Tận Nơi Đồi Vắng Xa" vẫn còn vang vọng trong trí óc tôi. Điều đầu tiên tôi muốn nhìn xem khi bước đến Đất Thánh là tìm thấy tận mắt núi Sọ mà ngày xưa lính La Mã đã đóng đinh Đức Chúa Giê-su. Cảm xúc vui buồn lẫn lộn đã tràn ngập cả hồn tôi đang đón chờ đến Đất Thánh.

Bước đến Thánh Địa dường như tôi đã đi lùi lại thời gian cả 2000 năm. Viếng thăm làng Bết-lê-hem, tôi nhìn thấy một hang động chật hẹp mà Chúa Giê-su sanh ra trong máng lừa, thật là một làng không có gì đặt biệt nhưng Ngài chọn nơi đó để giáng trần. Sau đó tôi đến làng Na-xa-rét mà Chúa đã được dưỡng dục, rồi đi ngang qua làng Ca-na là nơi Chúa biến nước thành rượu trong một buổi tiệc cưới nọ.

Đến biển Ga-li-lê, thật ra là một hồ nước vĩ đại, mà dân làng xung quanh như Ca-bê-na-um hay Ti-bê-ri-át nhờ hồ đó mà cuộc sống của họ được phồn thịnh. Đến bên đồi nhìn xuống biển Ga-li-lê, nơi Chúa đã làm phép lạ phân phát thức ăn cho 5000 người từ năm ổ bánh và hai miếng cá khô. Đi qua thành Giê-ri-cô, Chúa mở mắt người mù; vào thành Giê-ru-sa-lem Chúa chữa bệnh người bại ở hồ Bê-tết-đa.

Đứng trên núi Ô-li-ve nhìn xuống cổ thành Giê-ru-sa-lem, tôi chợt nhớ đến câu Kinh Thánh trong sách Lu-ca 19:41, "Khi Đức Chúa Giê-su gần đến thành, thấy thì khóc về thành." Chúa biết trước quân lính La Mã sẽ đến tiêu diệt cả thành mà không chừa một người nào cả, cho nên Ngài than khóc. Chúa nài xin họ ăn năn nhưng họ không nghe, nên Chúa lại cảnh báo, "Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng!" (Ma-thi-ơ 23:37).

Tôi ghé đến vườn Ghết-sê-ma-nê nơi mà Chúa Giê-su đã từng cầu nguyện tha thiết cùng Chúa Cha, "Cha ơi! Nếu chén này không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống, thì xin ý Cha được nên" (Ma-thi-ơ 26:43). Nghĩ đến sự hãi hùng đó, tôi cảm nhận phần nào Chúa phải đối đầu với một quyết định nghiệm trọng, "tiến thoái lưỡng nan," là cứu chính mình hay cứu nhân loại. Ngài chọn theo ý Cha được nên.

Đến cổ thành Giê-ru-sa-lem vào cổng "Shepherd Gate," là cổng mà người ta thường dẫn những con chiên vào để dâng tế lễ. Chính cổng này mà Chúa Giê-su bước vào là tượng trưng cho "Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian" (Giăng 1:29). Cổng này đưa thẳng đến dinh quan tổng trấn Phi-lát để xét xử, và chính nơi đây Chúa bị tra tấn và đánh đập. Sau đó lính La Mã đày Chúa Giê-su bằng cách vác thập giá nặng nề lê lết trên con đường Via Dolorosa. Tôi đi trên con đường đau thương đó mà cứ suy gẫm sự đau đớn của Ngài phải gánh chịu. Nếu tôi có ở hiện trường tôi có vác thập giá cho Ngài không?

Khi ra khỏi cổ thành Giê-ru-sa-lem qua cổng Damascus, đi bộ khoảng chừng 500 thước bên phải là nhìn thấy một đồi núi. Nhìn kỹ vào những vành đá ấy thì thấy đầu sọ, mắt mũi miệng. Thật chính núi Sọ mà Kinh Thánh đã ghi chép, "Tới một chỗ gọi là Gô-gô-tha, nghĩa là chỗ cái Sọ" (Ma-thi-ơ 27:33), vẫn còn nguyên vẹn như một ngày nào. Nơi đây Chúa Giê-su đã bị đóng đinh, nơi đây Ngài bị nhục hình, và nơi đây Ngài đã trút linh hồn cho cả nhân loại. "Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Người [Chúa Giê-su]" (Ê-sai 53:6).

Đứng nơi đây nhìn vào núi Sọ, hình dung Chúa treo trên thập tự, lòng tôi bùi ngùi đầy tràn giọt lệ đau thương. Tôi đa tạ ơn Ngài đã hy sinh chết cho tôi. Bỗng nhiên nghe tiếng bóp còi từ xe buýt cùng xe hơi, kẻ đi qua người đi lại buôn bán tấp nập ồn ào. Chẳng khác chi 2000 năm trước, Ngài đã bị treo nơi đây cho bao kẻ qua lại nhìn thấy và nhạo báng Ngài (Ma-thi-ơ 27:39-42). Bực tức tôi muốn hét lên, "Mấy anh có biết là Chúa Giê-su đã chết đây cả 2000 năm không? Nơi đây là nơi Con Trời đã từ trần." Nghĩ lại dân chúng là người Hồi Giáo chẳng hề quan tâm đến đâu. Chỉ biết rằng tôi sẽ mang theo những ký ức mà tôi chứng kiến tại vùng Đất Thánh này mà nuôi dưỡng niềm hy vọng trong lòng tôi, là Núi Sọ vẫn còn đó!

Mục sư Nguyễn Khắc Vinh