Không biết chúng đang làm gì
Cách nay không lâu, tôi phải đi dạy thế vài ngày cho một vị giáo viên mà học trò trong lớp của ông có tiếng là rất dễ dạy. Tuy nhiên, lần này nó lại khác. Không phải là tôi không biết có thể có những ngày mình gặp xui. Đã là công việc thì tôi phải hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng lần này có hai đứa học trò lớp 9 đã cố tình thách thức tôi.
Rắc rối đầu tiên là chúng chẳng tốt đẹp gì với nhau. Hai đứa nó ngồi cùng trong một phòng học mà không có một sự nghịch phá nào thì cũng giống như để một que diêm cạnh thùng xăng mà không mong chờ một sự bùng cháy. “Sự bùng nổ” trong trường hợp của bọn chúng không đến nỗi dữ dội hay ồn ào quá mức. Nhưng chúng thích kết hợp lại để cùng phá phách và đẩy giáo viên đến quá giới hạn chịu đựng của họ. Chúng dùng những ngôn từ thô lỗ cùng một vài hành động hỗn hào khác mà tôi không tiện nói ra ở đây.
Trở ngại khác nữa là những đứa trẻ này thực sự cũng không biết chúng đang làm cái gì nữa. Nhìn chúng nghịch ngợm cũng giống như nhìn ai đó đang tự vẫn từ từ mà không nhận ra được mình đang làm gì. Chứng cớ càng trở nên rõ ràng vào cuối giờ học trong ngày cuối cùng tôi dạy lớp đó. Chúng đã giở trò với tôi suốt giờ học hôm ấy khiến tôi phải viết giấy báo cáo cho giáo sư phụ trách lớp và thầy hiệu trưởng. Tôi hy vọng họ sẽ phạt kỷ luật chúng gắt gao. Nhưng rồi một chuyện khác đã xảy ra.
Cục bướu trong cổ họng tôi
Chúng bắt đầu dùng đến tên của Chúa Giê-Su không đúng chỗ. Là trường công lập nên tôi phải làm lơ, nhưng đến một lúc không dằn được, tôi phải yêu cầu chúng không nên dùng tên Chúa bừa bãi như vậy. Sau đó, chúng chuyển sang chế diễu bằng cách giả như đang cầu nguyện Chúa và làm bộ trừng phạt lẫn nhau về tội lỗi của chúng. Tôi cố nuốt giận trong lòng suốt cả buổi học về tư cách mất dạy của những đứa trẻ này. Nhưng rồi tôi nhìn chúng cứ thay phiên nhau nhạo báng Chúa, tự nhiên tôi thấy thương hại chúng và tôi không còn thấy giận dữ nữa. Tôi cảm thấy giống như có một cục bướu trong cổ họng mình khiến tôi nói với chúng “Tôi rất đau lòng khi thấy các em không biết là mình đang làm gì”. Và tôi thấy mình muốn khóc.
Có hai việc thình lình đã đánh trúng trái tim tôi. Thứ nhất là tôi bỗng nhận ra rằng mình đã không cảm thấy đau lòng ngay khi chúng diễu cợt tôi vì yêu cầu chúng ngưng dùng tên Chúa một cách bừa bãi. Thay vào đó, tôi lại cho rằng mình có được đặc quyền. Lúc đó những lời của Phao Lô hiển hiện rõ trong đầu tôi. “ … Vì ngươi đã được cho phép nhân danh Chúa, không chỉ là tin nơi Chúa, nhưng cũng phải bị đau đớn vì Ngài nữa…” (Phi-Líp 2:29). Thứ nhì, quan trọng hơn là tôi cảm thấy buồn cho Chúa vì tôi biết Ngài yêu thương những đứa trẻ này biết bao ngay cả khi bọn chúng đang nhạo báng Ngài một cách thô bỉ.
Đầu óc tôi liên tưởng đến cây thập giá nơi mà Chúa Giê-Su đã bị chế diễu. Ngài đã thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì…” (Lu-Ca 23:34). Và tôi hiểu rõ rằng khi Chúa nói những lời trên, Ngài không chỉ muốn nói riêng đến những người đã chế diễu Ngài lúc Ngài bị đóng đinh. Nhưng Ngài cũng ám chỉ đến những đứa trẻ ngỗ nghịch trong lớp học của năm 2010 này. Tôi bỗng dưng cảm thấy mình đang chứng kiến cái khoảnh khắc tại cây thập giá mà tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ quên được. Thình lình, ước muốn trả thù mấy đứa trẻ đã bị đẩy ra một bên để nhường lại cho lòng thương hại.
“Bọn trẻ đã không biết chúng đang làm gì” Tôi thầm hỏi không biết đã bao lần Chúa cũng đã từng nói lời ấy với tôi?
By Gwenn Scott Simmons
Ngọc-Anh phỏng dịch