Lúc Thịnh Cũng Như Lúc Suy

             Khi nhắc đến hôn nhân, nhiều người nghĩ đến nhẫn cưới, lễ cưới, tiệc cưới, áo cưới, khách mời đến dự, đi chơi tuần trăng mật. Nhưng người ta không thường nhắc đến sự nghiêm trọng của lời hứa nguyện hôn nhân mà cô dâu và chú rể thề ước với nhau trước sự chứng kiến của quan khách và trước mặt Thiên Chúa. Ấy là lời hứa nguyện là họ sẽ phải sống với nhau, yêu thương nhau và chăm sóc cho nhau, dầu lúc thịnh hay hồi suy của mọi phương diện: tuổi tác, sức khỏe, tâm tính hay tài chính. Lời hứa rằng tình yêu của họ sẽ mãi mãi nồng nàn và luôn luôn bên nhau và đối xử với nhau bằng tất cả tình yêu họ đã có cho nhau trong tuổi xuân thì. Phần lớn, trong sự hăm hở và bận rộn của lễ cưới, người ta dễ quên rằng, hôn nhân còn đòi hỏi một điều nghiêm trọng, ấy là cách sống cuộc đời hôn-nhân!

Hôn-nhân là quà của Thiên Chúa ban cho loài người.

Hôn nhân là sáng kiến của Thiên Chúa. Khi dựng nên thế-gian, trong 6 ngày tạo-thế, mỗi một ngày qua, sau mỗi công trình sáng tạo được hoàn tất, Đấng Tạo Hóa đều tuyên bố, “Mọi sự là tốt lành”. Nhưng trong Kinh Thánh sách Sáng Thế Ký kể lại, sau khi tạo dựng người nam, A-đam rồi, Thiên Chúa đã quan sát và nói đến một điều mà Ngài thấy là KHÔNG tốt lành. Ngài nói, “Người ở một mình thì KHÔNG tốt”. Sự lẽ loi của con người là không tốt. Ngài muốn cho con người sống có đôi có cặp, vì Ngài biết cuộc sống của họ sẽ có nhiều cảnh ngộ và nếu có một người kề bên để họ cùng nhau đối diện với mọi thử thách hay tiếp nhận hạnh phúc của cuộc sống thì mới thật là hoàn toàn.

            Và Thiên Chúa, Đức Chúa Trời của Kinh Thánh đã thiết lập lễ hôn-nhân, và ban phước cho sự liên kết của cặp vợ chồng đầu tiên. Hôn-nhân là nghi lễ đầu tiên Thiên Chúa thiết lập trong vườn E-đen. Ngài đã dạy cho họ rằng sống chung trong cuộc sống hôn nhân đòi hỏi phải có sự yêu thương và kính trọng lẫn nhau.  Thiên Chúa nói, “Ta sẽ dựng cho nó một kẻ giúp đỡ nó.” Kẻ giúp đỡ đây là giúp đỡ cho nhau. Không người nào là chủ và người kia là tớ cả. Chúa muốn hai người phải biết nương tựa vào nhau. Bà Ellen G. White đã ghi nhận, Ê-va đã được dùng nên bằng một chiếc xương sườn nơi ngực A-đam, chứng tỏ rằng nàng không phải để cầm đầu A-đam, hay để bị đạp dưới chân như kẻ yếu kém hơn chàng; nhưng nàng sẽ đứng vai kề vai với chàng, ngang hàng với chàng và để được chàng yêu và được bảo bọc.” (Partriachs and Prophets  trang 46).

Tình chồng vợ phải là tình yêu thương người phối ngẫu như thương chính thân mình

            Thiên Chúa thiết lập hôn nhân vì Ngài dựng loài người và Ngài muốn loài người được hạnh phước. Ngài còn muốn mối tương quan họ có cho nhau phải khắng khít hơn bất cứ một mối tương quan nào. Ngài đã dùng chính xương sườn của A-đam là nơi ấp ủ trái tim chàng để dựng nên Ê-va.  Kinh Thánh cho thấy nỗi vui của A-đam khi nhìn thấy Ê-va lần đầu. A-đam lúc ấy hẳn phải âu yếm nhìn người đàn bà Chúa dựng cho mình và cảm thấy một niềm khắng khít đối với nàng.  A-đam đã thốt lên, “Nàng đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Còn sự khắng khít nào hơn nữa trong tình vợ chồng? Người Việt vì vậy có tiếng gọi người chồng hay vợ của mình là Mình. Người ấy cũng như chính bản thân mình! Chúng ta phải yêu thương và cẩn trọng người ấy như đối với chính thân mình. Nhiều khi người ta quên phải nói với dịu dàng với chồng hay vợ mình mỗi ngày. Người ta cần mỗi ngày nói với người bạn đời của mình rằng “Mình ơi, em yêu chàng” hay “Mình ơi, anh yêu nàng”. Chúng ta cần nói những lời khen tặng nhau thay vì những lời mè nheo, than phiền, chê bai. Mỗi ngày, chúng ta cần phải nói và bày tỏ cho người vợ, hay chồng mình biết rằng mình thương người ấy rất nhiều, và người ấy là một người quan trọng trong cuộc sống mình.

Để làm cho cuộc hôn nhân hoàn hảo hơn nữa, Thiên Chúa ban cho loài người niềm vui của tình chăn gối vợ chồng. Ngài đã ban cho loài người sự hưởng-thụ của tình luyến ái. Nhưng Ngài cũng biết, loài người, trong sự tham lam ngu muội của họ, họ có thể lợi dụng sự phước hạnh ấy mà mang lại sự khổ đau, cho nên Ngài đã phán dặn, ngươi chớ phạm tội tà dâm! Tình chăn gối chỉ mang lại phước hạnh khi nó nằm trong phạm vi của hôn nhân. Sự luyến ái là mối dây nối chặt hai người trong hôn nhân.  Vì lẽ ấy, trong hôn nhân phải có sự trung thành với nhau, phải có sự quyết lòng cho nhau và vì nhau. Khi loài người vi phạm sự phán dạy của Thiên Chúa mà sống theo tình dục buông thùa không kềm chế, họ sẽ làm niềm phước hạnh của tình luyến ái trở thành sự rủa sả. (Châm ngôn, 6:27-29).

Và cũng từ tình chăn gối vợ chồng, Thiên Chúa đã ban cho loài người một niềm phước hạnh khác và trách nhiệm khác, ấy là con cái. Ngài đã cho loài người được cơ hội cảm hội được niềm vui mà Ngài đã có: thiên chức làm phụ mẫu và tạo dựng một con người để nuôi nấng, yêu thương, và hun đúc con người ấy; và có được một đối tượng cho tình yêu sáng tạo của mình.

Hôn nhân cần có sự thương yêu và kính trọng lẫn nhau. Hôn nhân mà chỉ có yêu nhưng không có sự kính trọng cho nhau thì chẳng khác nào cưng chìu một con chó hay con mèo cưng trong nhà. Chúng ta thương con chó hay con mèo rất nhiều, nhưng chúng ta không có sự kính trọng đối với chúng. Hôn nhân mà chỉ có sự kính trọng nhưng không có tình yêu, thì chỉ là một mối tương quan lạnh lùng, lãnh đạm.

Hai người, dầu qua hôn nhân, đã thành một, nhưng họ vẫn là hai cá nhân. Vì lẽ ấy, trong đời sống vợ chồng, chúng ta phải kính trọng những tình cảm và nhu cầu của vợ hay của chồng mình, vì người ấy không giống như mình. Hãy đối xử với nhau như lời Kinh Thánh dạy, Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân mình. Người nào yêu vợ là yêu chính mình; vì không ai ghét chính thân mình bao giờ, nhưng luôn nuôi dưỡng và chăm sóc nó . . .  Vì lý do đó, người nam phải lìa cha mẹ để kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt.Tóm lại, mỗi người trong anh em phải yêu vợ như yêu chính mình, còn vợ thì phải kính trọng chồng.” (E-phê-sô 5:28, 29, 31). Kính trọng lẫn nhau tức là phải có sự giao tiếp mật thiết với nhau. Phải nói chuyện với nhau, và phải lắng nghe khi người kia nói. Mỗi ngày qua, bạn phải nói với người vợ hay chồng mình một lời âu yếu, một lời bày tỏ tình yêu mình. Mỗi một hành động dịu dàng chăm sóc, dầu nhỏ nhất, mỗi một lời nói dầu ngắn ngủi nó cũng hứa cho người phối-ngẫu của mình biết tình yêu bạn có cho họ vẫn còn y nguyên hay còn nhiều hơn cả khi mới gặp nhau thửa ban đầu!

Cầu xin ơn Thiên Chúa, là Đấng sáng tạo nên hôn nhân và là nguồn cội của tình yêu ban phước cho toàn độc giả TNHV có được những cuộc hôn nhân bền bỉ và hạnh phước nhất!

 

Ngọc-Liên